*Vàng bật lên từ mức thấp nhất trong 3 tuần đạt được vào thứ Năm
*Đồng Nhân dân tệ chạm mức cao nhất trong 2 tuần so với đồng USD
*Bạch kim, palladium và bạc hướng tới tuần tăng giá
Vàng tăng giá vào thứ Sáu khi đồng USD giảm so với đồng Nhân dân tệ sau khi dữ liệu kinh tế đầy hứa hẹn của Trung Quốc thúc đẩy hy vọng phục hồi ở nước tiêu dùng vàng hàng đầu thế giới, mặc dù khả năng Mỹ tiếp tục tăng lãi suất khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Cụ thể, vào lúc 14 giờ 01 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.917,59 USD/ounce. Vàng đã giảm xuống gần mức 1.900 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 23 tháng 8 vào 14/9. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,3% lên 1.938,90 USD.
Đồng nhân dân tệ đạt mức cao nhất trong 2 tuần so với đồng USD sau khi dữ liệu cho thấy sản lượng sản xuất tại nhà máy và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 8 vượt dự báo, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua Trung Quốc.
Trọng tâm bây giờ chuyển sang cuộc họp chính sách ngày 19-20 tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed.
Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG market, cho biết: “Triển vọng lãi suất sẽ được giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn đã khiến giá vàng, vốn là tài sản không sinh lời chịu áp lực”.
“Với điều kiện kinh tế vẫn còn khả năng phục hồi ở Mỹ, dường như không cần thiết phải cắt giảm lãi suất sớm, do đó thời gian cắt giảm bị đẩy lùi sang giữa năm 2024.”
Dữ liệu hôm 15/9 cho thấy giá sản xuất của Mỹ tăng mạnh nhất trong hơn một năm vào tháng trước trong khi doanh số bán lẻ cũng vượt kỳ vọng, được thúc đẩy bởi giá xăng tăng vọt.
Điều này xảy ra sau khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 8 tăng mạnh nhất trong 14 tháng, khiến giới đầu tư vẫn đặt cược vào việc Mỹ sẽ tăng lãi suất sau khi có khả năng tạm dừng vào tuần tới.
“Nhiều quan chức Fed đã nói rõ rằng nhiệm vụ chống lạm phát vẫn chưa kết thúc. Do đó, chúng tôi cho rằng, chính sách tiền tệ vẫn là yếu tố tác động đến vàng cho tới tận năm 2024,” HSBC cho biết trong một ghi chú.
“Các nhà đầu tư tổ chức vẫn chưa ‘toàn tâm toàn ý’ với vàng, điều này thể hiện ở vị thế mua ròng ETF và cổ phiếu.”
Dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc cũng hỗ trợ các kim loại quý khác, thúc đẩy các kim loại này đi đúng hướng tăng hàng tuần. Theo đó, bạc giao ngay tăng 2% lên 23,08 USD/ounce, bạch kim tăng 0,5% lên 910,91 USD và palladium ổn định ở mức 1.250,40 USD.
Nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương tiếp tục thống trị thị trường kim loại quý và theo nhiều nhà phân tích, đây là một trong những yếu tố lớn nhất hỗ trợ giá vàng trong môi trường biến động khi lãi suất trái phiếu tăng và đồng USD duy trì sức mạnh.
Báo cáo sơ bộ mới đây của Hội đồng Vàng Thế giới WGC cho thấy, nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương tiếp tục tăng trong quý 3 khi Ba Lan, Ấn Độ, Uzbekistan và Cộng hòa Séc đều tăng dự trữ vàng vào tháng 8.
Krishan Gopaul, nhà phân tích thị trường cấp cao của WGC, cho biết dữ liệu sơ bộ từ Ngân hàng Quốc gia Ba Lan cho thấy nước này đã mua khoảng 18 tấn vàng trong tháng 8.
Ông nói: “Hành động này đã nâng lượng mua ròng từ đầu năm đến nay lên gần 88 tấn và tổng dự trữ vàng lên 317 tấn. Chúng tôi sẽ xác nhận con số chính xác từng được báo cáo qua IMF”.
Ba Lan là một trong những quốc gia bổ sung vàng nhiều nhất trong năm nay, chỉ sau Singapore (với 73,6 tấn vàng được bổ sung tính đến tháng 7) và Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về mua vàng. Tính đến thời điểm này trong năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua 155 tấn vàng và tháng 8 là tháng mua thứ 10 liên tiếp.
Chuyên gia Gopaul lưu ý rằng Cơ quan tiền tệ Singapore sẽ không công bố dữ liệu dự trữ tháng 8 cho đến cuối tháng.
Một tổ chức mua lượng vàng lớn khác của châu Âu là Séc. Ông cho biết Ngân hàng Quốc gia Séc đã mua gần 2 tấn vàng trong tháng 8.
Ông Gopaul cho biết: “Đây là tháng mua thứ 6 liên tiếp, với lượng mua ròng so với đầu năm lên tới hơn 11 tấn”. “Tổng dự trữ vàng hiện ở mức hơn 23 tấn, cao hơn 94% so với cuối năm 2022.”
Trong khi đó, Gopaul cho biết dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Uzbekistan cho thấy trữ lượng vàng của nước này tăng 9 tấn trong tháng 8.
Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy dự trữ vàng của Uzbekistan khá biến động, vì lần mua mới nhất của nước này diễn ra sau khi bán 11,2 tấn vàng vào tháng 7, nhưng ông Gopaul cũng lưu ý rằng không có gì lạ khi các quốc gia sản xuất vàng như Uzbekistan bán một phần vàng sản xuất trong nước.
Gopaul nói thêm rằng từ đầu năm đến nay, lượng nắm giữ của ngân hàng trung ương Uzbekistan đã giảm xuống còn 375 tấn, giảm 21 tấn so với cuối năm 2022.
Ngoài ra, ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đã mua 2 tấn vàng vào tháng 8.
Ông cho biết: “Tính từ đầu năm đến nay, lượng mua ròng lên tới hơn 12 tấn, nâng tổng dự trữ vàng lên gần 800 tấn”.
Mặc dù nhu cầu của ngân hàng trung ương dự kiến sẽ không vượt quá tốc độ kỷ lục được thiết lập vào năm 2022 nhưng nó vẫn ở mức cao. Trong báo cáo xu hướng quý II, WGC lưu ý rằng nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương đạt kỷ lục mới trong nửa đầu năm 2023.
Theo reuters, kitco