*Vàng tiếp tục trượt dốc khi đồng USD chạm mức cao nhất trong 2 tháng
*Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện McCarthy sắp đạt được thỏa thuận trần nợ
*Bạc chạm mức thấp nhất trong 2 tháng
Giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất của hai tháng trong phiên 25/5, khi sự lạc quan xung quanh các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ đã thúc đẩy đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ tăng lãi suất.
Cụ thể, vào lúc 1 giờ 47 phút rạng sáng ngày 26/5 giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.941,85 USD/ounce, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 22 tháng 3. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 1,1% xuống 1.943,70 USD.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa Kevin McCarthy dường như sắp đạt được thỏa thuận cắt giảm chi tiêu và nâng trần nợ của chính phủ.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty dịch vụ tài chính OANDA, cho biết nếu các bên đạt được một thỏa thuận vào cuối tuần. Điều đó sẽ loại bỏ rủi ro lớn nhất khỏi thị trường và ảnh hưởng tới nhu cầu về vàng.
Giá vàng tiếp tục đà giảm sau khi thống kê chính thức cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của Mỹ tăng khiêm tốn vào tuần trước. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng điều chỉnh mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2023 theo hướng đi lên. Điều này cho thấy thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ vẫn khá vững chắc.
Chuyên gia Moya nói rằng các số liệu kinh tế khả quan cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn đang có rất nhiều khả năng phục hồi. Diễn biến đó ủng hộ lập luận về khả năng Fed có thể đưa ra một đợt tăng lãi suất khác trong cuộc họp tiếp theo.
Giới giao dịch đang dành nhiều chú ý cho thước đo lạm phát được Fed ưa thích - chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi - dự kiến được công bố vào thứ Sáu (26/5 theo giờ địa phương).
Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường hiện đang định giá cơ hội tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 6 là 50-50, với việc cắt giảm lãi suất không sớm hơn tháng 9.
Vàng, một tài sản không sinh lãi, có xu hướng mất đi sức hấp dẫn trong môi trường lãi suất cao.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 3, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài, trong khi lợi tức trái phiếu kho bạc chuẩn gần mức cao được thấy vào ngày 13 tháng 3.
Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết “vàng đã được phản ánh qua lăng kính của đồng USD”.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,4% xuống mức thấp nhất trong hai tháng là 22,75 USD/ounce. Bạch kim giảm 0,2% xuống 1.021,68 USD, trong khi palladium tăng 0,1% lên 1.416,39 USD.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng nhu cầu trong nước tăng cao và hạn chế nhập khẩu vàng là những lý do cho xu hướng mới này.
Nhà phân tích cấp cao của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) Krishan Gopaul cho biết, dự trữ vàng chính thức của quốc gia này đã giảm 80,8 tấn trong tháng 4 xuống còn 491,2 tấn, trích dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.
“Vàng đã được bán ra thị trường trong nước để đáp ứng nhu cầu địa phương”, chuyên gia Gopaul cho biết trên Twitter.
Ngoài ra, Financial Times đưa tin, trích dẫn dữ liệu của ngân hàng trung ương cho biết, dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương đã giảm 15% xuống còn 9,5 tỷ USD từ cuối tháng 3 đến ngày 12 tháng 5.
Điều này xảy ra trong vài tuần trước cuộc tổng tuyển cử ở Thổ Nhĩ Kỳ khi chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế và đồng nội tệ trước các cuộc thăm dò bầu cử.
Sau khi Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua nhiều nhất trong số tất cả các ngân hàng trung ương vào năm 2022, ngân hàng này lại bán vàng để tự bảo vệ nền kinh tế tránh tìm trạng lạm phát không được kiểm soát. Dự trữ vàng chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 148 tấn lên 542 tấn vào năm ngoái, đánh dấu mức cao nhất được ghi nhận.
Nhu cầu vàng ở thị trường nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gia tăng trong năm qua khi người dân sử dụng kim loại quý này như một hàng rào chống lại lạm phát và sự mất giá của đồng nội tệ. Có thời điểm vào năm 2022, lạm phát lên tới hơn 85%.
Nhu cầu vàng tăng đã kích hoạt nhập khẩu vàng tăng vọt, bắt đầu gây áp lực lên thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã mở rộng lên mức kỷ lục trong tháng Giêng.
Vào tháng 2, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra các biện pháp hạn chế nhập khẩu vàng tăng mạnh để cải thiện tình trạng thâm hụt.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này trong tháng 3 đã giảm xuống còn 4,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc hạn chế nhập khẩu vàng không ngăn được nhu cầu trong nước ngày càng tăng, vì vậy ngân hàng trung ương của nước này đã quyết định bán vàng dự trữ để đáp ứng nhu cầu.
William Stack, cố vấn tài chính tại Stack Financial Services LLC, cho biết: “Nhu cầu vàng địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đơn giản là phòng vệ trước đồng Lira đang giảm giá. “Vàng là một tài sản tuyệt vời để sở hữu khi bạn gặp khó khăn về tài chính vì nó có thể được bán khi cần thiết.”
Tuy nhiên, động thái bán vàng cho người tiêu dùng địa phương không phải là một kịch bản thua lỗ đối với ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia Stack chỉ ra.
Ông giải thích: “Một lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ bán vàng đó là, kim loại quý đã tăng 10% so với một năm trước, tính theo đồng USD. Còn nếu tính theo đồng Lira, mức tăng còn ấn tượng hơn - 70-85%”. “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ bán vàng ra quốc tế, điều đó sẽ làm suy yếu đồng Lira hơn nữa. Nhưng khi họ bán vàng cho công dân để lấy Lira, điều đó làm giảm lượng Lira trên thị trường, do đó giúp củng cố đồng nội tệ.”
Ngoài ra, việc bán vàng dự trữ cho người tiêu dùng địa phương sẽ hạn chế khả năng mua ngoại tệ của người dân, Stack nói thêm. Ông lưu ý: “Động thái bán vàng mang lại nhiều quyền kiểm soát hơn đối với giá trị của đồng Lira cho chính phủ và ít bị ảnh hưởng bởi các nhà đầu cơ ngoại tệ hơn”.
Theo Reuters; Kitco