Một loạt chỉ báo gần đây cho thấy nền kinh tế và thị trường lao động của Mỹ vẫn ổn định sau hơn một năm tăng lãi suất, đồng nghĩa với việc Fed sẽ phải để ngỏ phương án tiếp tục nâng lãi suất.
Có nhiều tranh luận về hướng đi tiếp theo của Fed. Nhiều người cảm thấy hài lòng với lãi suất ở mức hiện tại, trong khi số khác cảnh báo nếu không hành động đủ mạnh, lạm phát sẽ “mắc kẹt” ở trên mức mục tiêu 2% của Fed.
Kết thúc phiên giao dịch 15/9, các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Phố Wall hầu hết đều giảm sâu, có nguy cơ “xóa sạch” mức tăng đạt được trong tuần.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức 4.450,32 điểm, giảm 54,78 điểm, tương đương 1,22%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đạt 13.708,33 điểm, giảm 217,72 điểm, tương đương 1,56%, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 288,87 điểm, tương đương 0,83%, xuống còn 34.618,42 điểm.
Cổ phiếu công nghệ là lực cản lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ hôm cuối tuần, nhưng vụ đình công của liên đoàn lao động thuộc ba nhà công ty sản xuất ô tô lớn nhất Mỹ đang tạo đà đẩy cổ phiếu ngành công nghiệp ô tô đi xuống.
Trong cả tuần qua (11-16/9), thị trường chứng khoán Mỹ không có nhiều biến động, khi các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi các thông tin kinh tế mới nhất sẽ được công bố ở cả hai thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, đi kèm với động thái chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ được “hé lộ” tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 19-20/9 tới.
Trái ngược với thị trường Mỹ, tại châu Âu và châu Á, các thị trường đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự tiếp sức của các dữ liệu kinh tế tích cực từ hai cường quốc lớn. Vào ngày 14/9, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong một tuần. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (15/9), các chỉ số như Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc), Nikkei 225 của Tokyo (Nhật Bản), S&P/ASX 200 của Australia đều đạt mức tăng trên 1%.
Ngày 15/9, các dữ liệu chính thức vừa được công bố cho thấy doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8/2023 đã có sự cải thiện, tăng vọt so với dự kiến vào tháng trước. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có thể ổn định sau nhiều tháng trì trệ, với lạm phát, thương mại và dịch vụ đều ghi nhận sự cải thiện rõ rệt trong những tuần gần đây.
Hôm 14/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) công bố giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng thương mại, nhằm giải phóng nguồn vốn cho vay có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Tính trong cả tuần này, giá vàng đã tăng 0,3%. Đồng USD giảm 0,2% so với rổ tiền tệ chính sau số liệu của Mỹ lúc đầu phiên, giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn cho những người mua nắm giữ đồng tiền khác.
Giá vàng thế giới tăng 1% trong phiên 15/9 nhờ đồng USD suy yếu và hoạt động mua vào tài sản an toàn sau khi Nghiệp đoàn công nhân sản xuất ô tô Mỹ (UAW) thông báo bắt đầu cuộc đình công tại các nhà máy của 3 công ty sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ. Trong khi đó, hy vọng về khả năng ngừng tăng lãi suất cũng tiếp sức phần nào cho thị trường.
Khoảng 0 giờ 56 phút ngày 16/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.924,27 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng khoảng 0,7% lên 1.946,2 USD/ounce.
UAW đã phát động các cuộc đình công cùng lúc tại ba nhà máy thuộc sở hữu của ba doanh nghiệp ô tô hàng đầu của Mỹ (Detroit Three), bao gồm cả Stellantis, chủ sở hữu của Chrysler, đánh dấu cuộc đình công quy mô nhất trong ngành trong nhiều thập niên.
Theo ông Wong, cuộc đình công của UAW có thể sẽ kéo dài một thời gian vì những yêu cầu mà nghiệp đoàn đang đưa ra. Bên cạnh đó, việc chính phủ có thể đóng cửa vào cuối tháng này cũng đang nhận được sự quan tâm.
Thị trường vàng đã “háo hức” chờ đợi cuộc họp chính sách lãi suất của Fed từ đầu tuần, cũng như số liệu lạm phát của Mỹ bởi nó có khả năng ảnh hưởng đến lộ trình điều chỉnh lãi suất của Fed. Phiên 11/9, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.921,10 USD/ounce. Còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.947,20 USD/ounce.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty tài chính OANDA, cho biết vàng đã bắt đầu tuần mới với tín hiệu tích cực do đồng USD yếu đi, nhưng kim loại quý này có thể sẽ phải đối mặt với một số sức ép trong thời gian tới khi thị trường kỳ vọng sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Sang phiên ngày 12/9, giá vàng quay đầu giảm nhẹ do đồng USD mạnh lên. Giá vàng giao tháng 12/2023 giảm 12,1 USD, hay 0,62%, xuống chốt phiên ở mức 1.935,1 USD/ounce. Theo các nhà phân tích thị trường, đồng USD mạnh và khả năng lãi suất tăng tiếp tục là hai trở ngại đối với vàng trong thời gian tới.
Đến phiên 13/9, vàng vẫn chưa tìm thấy điểm tựa để “lội ngược dòng”. Giá vàng thế giới tiếp tục giảm nhẹ do đồng USD mạnh hơn, song kỳ vọng ngày càng lớn rằng Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất đã hạn chế đà giảm giá của vàng và có thể giúp kim loại quý này đảo chiều trong thời gian tới.
Khép phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.909,83 USD/ounce. Trước đó cùng phiên, giá vàng đã giảm 0,4% sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám.
Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần 15/9, hướng tới tuần tăng giá thứ ba liên tiếp, nhờ số liệu kinh tế tốt hơn mong đợi của Trung Quốc và các báo cáo về mức tiêu thụ dầu kỷ lục đã củng cố quan điểm cho rằng nhu cầu dầu mỏ tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng.
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent biển Bắc giao kỳ hạn tăng 65 xu Mỹ, tương đương 0,7%, lên 94,35 USD/ounce. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 67 xu Mỹ, tương đương 0,7%, lên mức 90,83 USD/ounce. Cả hai loại dầu này đều ghi nhận mức tăng giá khoảng 4% so với một tuần trước đó.
Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong năm nay trong phiên giao dịch 14/9. Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,82 USD, hay 1,98%, lên 93,70 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 là 93,89 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,64 USD, hay 1,85%, lên 90,16 USD/thùng, đánh dấu lần đầu tiên đóng phiên trên ngưỡng 90 USD/thùng kể từ tháng 11 năm ngoái.
Công suất lọc dầu kỷ lục của Trung Quốc diễn ra do việc cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn là Nga và Saudi Arabia đang làm gia tăng lo ngại về nguồn cung trên toàn cầu. Những lo ngại về nguồn cung đã đẩy giá của dầu Brent và WTI lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến việc cắt giảm sản lượng dầu kéo dài của Saudi Arabia và Nga sẽ dẫn đến thị trường năng lượng có thể thiếu hụt nguồn cung trong quý IV/2023.
Theo Traderhub