Giá dầu thế giới ngày 7/2 được hỗ trợ bởi triển vọng phục hồi của Trung Quốc sau khi nới lỏng các hạn chế dịch COVID-19. Tùy thuộc vào mức độ phục hồi, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể phải đánh giá lại quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến năm 2023.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 4 tăng 1,05 USD, tương đương 1,3%, lên mức 81,18 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1%, lên mức 74,11 USD/thùng.
Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - cho biết, 1/2 tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay đến từ Trung Quốc. Ở chiều hướng ngược lại, những lo ngại về nguồn cung tiếp tục đè nặng lên các thị trường khi hoạt động tại kho cảng dầu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ceyhan tạm dừng sau một trận động đất lớn xảy ra gần đó vào đầu ngày 6.2.
Quyết định áp mức giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào ngày 5.2 sau khi G7, Liên minh châu Âu và Australia đồng ý về mức trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm tinh chế cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm có giá trị thấp hơn như dầu nhiên liệu.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết, thị trường đang kỳ vọng các nước ngoài EU sẽ tăng nhập khẩu dầu thô tinh chế của Nga, do đó sẽ tạo ra ít sự gián đoạn đối với nguồn cung tổng thể.
Liên quan đến nguồn cung năng lượng tại châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết chính phủ đang lên kế hoạch đẩy nhanh việc xây dựng các tua-bin gió ở nước này, khẳng định đến năm 2030, khoảng 2% diện tích đất của Đức sẽ được dùng để đặt tua-bin gió.
Việc thúc đẩy thêm năng lượng gió được nêu trong “Đạo luật mới về năng lượng gió trên đất liền” của Đức đã được thông qua mùa Hè năm 2022, có hiệu lực từ đầu tháng 2/2023.
Để đạt được các mục tiêu, các nhà lãnh đạo của 16 bang của Đức phải dành đất và trình bày kế hoạch với chính phủ liên bang. Nhà lãnh đạo Đức cho biết hằng tháng, sẽ có các cuộc thảo luận với các bang để xem lịch trình thực hiện. Nếu kế hoạch không hoàn thành đúng hạn sẽ được xem xét lại.
Theo luật mới, mỗi bang sẽ chịu trách nhiệm đề xuất không gian đất có thể xây dựng các tua-bin gió. Ngoài ra, các bang cũng có thể tự quyết định về khoảng cách giữa các tua-bin, nếu không đủ diện tích đất cho các dự án điện gió, chính phủ liên bang có thể can thiệp và điều chỉnh các quy định của mỗi bang liên quan đến khoảng cách giữa các tua-bin.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã thúc đẩy Đức tìm kiếm các đối tác nhiên liệu hóa thạch mới cũng như các nguồn năng lượng tái tạo và cả một số biện pháp ngắn hạn như khởi động các nhà máy nhiệt điện than.
Theo Traderhub