Quy luật giá trị là gì? Tác động của quy luật giá trị

14 tháng 12 năm 2022 10:09
896

Sở hữu tần suất hiện diện dày đặc trong các vấn đề quan trọng của nền kinh tế: sản xuất, trao đổi và lưu thông hàng hoá. Quy luật giá trị là một khái niệm kinh tế quan trọng luôn song hành trong đời sống chúng ta. Vậy bản chất quy luật giá trị là gì? Quy luật giá trị có mấy tác động? Chúng tác động cụ thể ra sao? Hãy cùng khám phá chi tiết thông qua bài viết dưới đây nhé!

Quy luật giá trị là gì?

 

Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản quy định mặt chất và toàn bộ sự vận động của mặt lượng trong giá trị hàng hoá. Dựa trên quy luật này, việc sản xuất và trao đổi hàng hoá sẽ phải căn cứ vào hao phí lao động xã hội cần thiết và nguyên tắc ngang giá. 

 

Tại Việt Nam và các nước hiện đang theo đuổi nền kinh tế thị trường, quy luật giá trị được giải thích đơn giản thông qua biểu hiện của giá cả hàng hoá - sự biểu hiện giá trị hàng hoá bằng tiền. Bên cạnh đó, sự vận động của giá cả xoay quanh trục giá trị sẽ là nhân tố chính thể hiện sự hoạt động của quy luật giá trị này. Nói tóm lại, chừng nào con người còn sản xuất, trao đổi hàng hoá thì chừng đó sẽ luôn tồn tại quy luật giá trị.

 

Nội dung và sự vận động của quy luật giá trị

Về khía cạnh nội dung của quy luật giá trị, theo chúng ta biết sản xuất, trao đổi hàng hoá luôn phải dựa trên thời gian lao động xã hội cần thiết. Cụ thể:

  • Trong phạm vi sản xuất, người sản xuất có khả năng tự quyết mức hao phí lao động bản thân. Song, việc hàng hoá được bán ra để bù vào các khoản chi phí trước đó và tạo ra lợi nhuận lại phải căn cứ trên mức hao phí lao động xã hội. Do đó, quy luật giá trị quy định người sản xuất chỉ có thể tồn tại khi đảm bảo mức hao phí lao động cá biệt của mình phù hợp với mức hao phí lao động xã hội cần thiết.
  • Trong hoạt động trao đổi hay lưu thông hàng hoá, muốn tồn tại những người hoạt động trên thị trường này bắt buộc phải tuân thủ nguyên tắc ngang giá: Chỉ trao đổi hàng hoá được với nhau khi chúng có cùng kết tinh một lượng lao động như nhau và có giá cả ngang bằng giá trị.

Về cơ chế vận động của quy luật giá trị, người ta cho rằng: quy luật giá trị vận động thông qua sự vận động của giá cả hàng hoá trên thị trường. Hiểu đơn giản, giá trị là nội dung, là cơ sở của giá cả và giá cả bắt buộc phải phụ thuộc vào giá trị. Song, trên thực tế thị trường, giá cả còn chịu ảnh hưởng, tác động của quy luật cung - cầu, lưu thông tiền tệ hay các cạnh tranh khiến cho giá cả và giá trị không cùng đồng nhất với nhau mà tách rời nhau. 

 

Do đó, cơ chế vận động của giá cả các hàng hoá trên thị trường sẽ lên, xuống xoay xung quanh giá trị. Giá trị được minh hoạ như một cái trục và cho dù trong bất cứ trường hợp nào: giá cả ngang bằng giá trị, giá cả lên xuống xung quanh giá trị thì quy luật giá trị đều được thể hiện. Sự vận động này đưa ra một kết luận: Với bất kỳ hàng hoá nào, giá cả có thể chênh lệch với giá trị nhưng xét trên toàn bộ hàng hoá, tổng giá trị luôn ngang bằng tổng giá cả.

 

Để hiểu rõ hơn về quy luật phổ biến này, cùng xem qua một vài ví dụ về quy luật giá trị dưới đây:

  • Ví dụ về vận dụng quy luật giá trị trong phạm vi sản xuất hàng hoá: Để sản xuất một cái áo, nhà sản xuất A phải mất 200,000 đồng cho chi phí lao động cá biệt. Trong khi đó, hao phí lao động xã hội trung bình mà thị trường chấp nhận chỉ là 150,000 đồng. Như vậy, với mức giá 200,000 đồng thì việc cái áo được bán ra là rất khó, điều này sẽ làm thu hẹp quy mô sản xuất.
  • Ví dụ về vận dụng quy luật giá trị trong quá trình trao đổi hàng hoá: Một cái áo có giá trị xã hội là 150,000 đồng thì sẽ được bán ra thị trường với giá 150,000 đồng trong trường hợp cung = cầu. Chẳng hạn trường hợp cái áo này “dẫn đầu xu hướng”, được săn đón rộng rãi, cung > cầu thì cái áo có thể được bán với giá 200,000 đồng.

 

Mặt tích cực và tiêu cực của quy luật giá trị

Trên góc độ tích cực, quy luật giá trị trong sản xuất và lưu thông hàng hoá mang lại: 

  • Tự động điều chỉnh tỷ lệ phân chia sức lao động nguyên vật liệu sản xuất khác nhau để đáp ứng các nhu cầu và điều tiết xã hội.
  • Giúp kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, hạ giá thành sản xuất và tăng năng suất lao động,..để đảm bảo sự tồn tại lâu dài và lợi nhuận được sinh ra.
  • Góp phần làm cân bằng sản lượng hàng hoá giữa các khu vực, các vùng, phân phối hàng hoá và thu nhập đều đặn giữa các miền, điều chỉnh sức mua chung của thị trường hợp lý.

Bên cạnh những điểm tích cực, ở một góc độ khác, quy luật giá trị cũng đem đến một số tiêu cực:

  • Nhân tố chính giúp hình thành sự phân hoá giàu - nghèo.
  • Kích thích sự cạnh tranh mang tính không lành mạnh giữa các chủ thể sản xuất.

Quy luật giá trị có mấy tác động?

Tác động của quy luật giá trị đến thị trường được thể hiện thông qua 3 khía cạnh sau:

Thứ nhất, quy luật giá trị giúp hợp lý hoá quy trình sản xuất và thúc đẩy các cải tiến kỹ thuật.

 

Mỗi người đóng vai trò là một chủ thể sản xuất độc lập trong quá trình sản xuất ở nền kinh tế sản xuất hàng hoá. Do đó, sự hao tổn lao động của mỗi cá thể sẽ không giống nhau.

 

Nếu người sản xuất có mức hao phí lao động cá biệt lớn hơn mức hao phí của lao động xã hội thì sẽ nhận kết quả thua lỗ và ngược lại mức lãi nhận được sẽ nhiều hơn trong trường hợp người sản xuất có mức hao phí lao động cá biệt nhỏ.

 

Dựa trên thực tại này, theo yêu cầu của quy luật giá trị người lao động buộc phải hạ thấp hao phí lao động cá biệt của mình để nhỏ hơn hoặc bằng với hao phí lao động xã hội cần để giảm nguy cơ phá sản và tăng lợi thế cạnh tranh. Để đáp ứng điều này, quy định giá trị yêu cầu người sản xuất bắt buộc phải áp dụng các biện pháp tối ưu hoá chi phí sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để cải thiện năng suất lao động và nâng cao lợi thế cạnh tranh.

 

Thứ hai, quy luật giá trị hình thành sự phân hoá giàu - nghèo giữa những người sản xuất hàng hoá.

Theo đuổi quy luật giá trị sẽ dẫn đến 2 kết quả sau:

  • Người giàu là những người sẽ đem về lợi nhuận khủng cho bản thân thông qua điều kiện sản xuất thuận lợi, hành trang kiến thức, trình độ chuyên môn cao, kỹ thuật tốt giúp cho mức hao phí lao động cá biệt thấp hơn mức hao phí lao động mà xã hội cần.
  • Người nghèo là những người ngược lại, họ không có lợi thế cạnh tranh và dần sẽ phải đào thải thông qua thua lỗ liên tục.

Thứ ba, quy luật giá trị hỗ trợ điều tiết việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trên thị trường.

Tác động này chỉ tới nhiệm vụ điều khiển và phân bố yếu tố sản xuất giữa các ngành và các lĩnh vực sao cho ngang bằng. Cụ thể:

  • Trường hợp cung = cầu: nền kinh tế “bão hoà”, giá cả ngang bằng giá trị.
  • Trường hợp cung < cầu: giá cả lớn hơn mức giá trị, hàng hoá sản xuất ra bán nhanh hơn, lợi nhuận thu về nhiều hơn. Khi giá cả cao hơn giá trị, người sản xuất phải tăng cung thông qua việc đẩy mạnh và mở rộng sản xuất. Ngược lại giá trị sản phẩm sẽ giảm dần nếu cầu hàng hoá giảm.
  • Trường hợp cung > cầu: giá cả thấp hơn mức giá trị do hàng hoá được sản xuất nhiều hơn với nhu cầu thực tế tiêu thụ của thị trường. Khi này, hàng hoá sẽ trở nên khó bán hơn và khó thu về lợi nhuận, Quy luật giá trị yêu cầu bắt buộc bạn phải giảm hoặc ngừng sản xuất, chờ đến khi giá cả giảm, nhu cầu mua tăng để hoạt động trở lại.

Giải pháp vận dụng quy luật giá trị vào nền kinh tế thị trường Việt Nam

Chính sách hiện tại của Việt nam là con đường hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thông qua việc hợp tác giữa các nước. Đóng góp vào quá trình này không thể không nhắc tới nhân tố quy luật giá trị với những tác động mạnh mẽ. Vận dụng quy luật giá trị, dưới đây là một vài giải pháp cho việc vận dụng quy luật giá trị hiệu quả trong các lĩnh vực ở nền kinh tế thị trường Việt Nam.

 

Thứ nhất, giải pháp vận dụng quy luật giá trị vào lĩnh vực sản xuất:

 

Đối với công tác hạch toán kinh tế tại các doanh nghiệp: 

 

Trong nền kinh tế thị trường nước ta hiện nay, mỗi doanh nghiệp đóng vai trò như một người sản xuất và mỗi người trong số họ đều phải tính đến hiệu quả của sản xuất kinh doanh thông qua các hình thức: gái cả, giá trị, chi phí, lợi nhuận,..để đứng vững trên thị trường khốc liệt, chiến thắng đối thủ trong cuộc chiến gay gắt. 

 

Và để có lợi nhuận, doanh nghiệp Việt buộc phải tháo gỡ các nút thắt thông qua việc hạ thấp chi phí sản xuất bởi các biện pháp: hợp lý hoá sản xuất, tiết kiệm chi phí vật liệu, gia tăng hiệu quả năng suất lao động. Để thực hiện thành công những biện pháp này, doanh nghiệp buộc phải nắm vững và vận dụng tốt quy luật giá trị trong công tác hạch toán kinh tế. Trên thực tế thị trường Việt Nam thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã vận dụng tốt quy luật giá trị vào hạch toán kinh tế, đưa ra kết quả làm ăn với lợi nhuận khủng.

 

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, biện pháp để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh là sự cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, chỉ giữ lại một vài ngành có tính chất an ninh quốc gia. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp dịch chuyển thành các công ty cổ phần nhiều chủ sở hữu, mỗi cổ đông sẽ vì lợi ích của chính mình, tìm mọi biện pháp để đầu tư vào sản xuất, hạch toán kinh tế, gia tăng lợi nhuận.

 

Đối với công tác hình thành giá cả sản xuất: Nhìn ở hướng ngược lại, khi đều xuất giải pháp, các doanh nghiệp cũng phải cân nhắc các yếu tố khác có tác động đến giá cả hàng hoá như: sự cạnh tranh, sức mua đồng tiền, yếu tố cung - cầu, giá cả các mặt hàng khác có liên quan,..

 

Thứ hai, giải pháp vận dụng quy luật giá trị vào lĩnh vực lưu thông hàng hoá.

 

Như đã đề cập ở phía trên, trong lĩnh vực lưu thông, hàng hóa bắt buộc phải tuân theo quy tắc giá trị trao đổi ngang giá - giá cả bằng giá trị. Theo đó, dưới tác động của quy luật giá trị, hàng hoá trong nền kinh tế sẽ được đưa từ nơi có giá trị thấp đến nơi có giá trị cao hơn, từ cung đến nhiều cầu hơn, tạo sự cân đối về nguồn hàng trên các vùng miền thông qua sự biến động về giá cả trên thị trường.

 

Đặc biệt, giải pháp cụ thể đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như của Việt Nam đi kèm hệ thống giá cả quy luật có giá trị ảnh hưởng nhất định đến việc lưu thông một hàng hoá nào đó thì giá mua cao sẽ khơi thêm nguồn cung, giá bán hạ sẽ đẩy mạnh tiêu thụ và ngược lại. Dựa trên đó, Nhà nước Việt Nam đã vận dụng triệt để nguyên tắc này vào việc định giá cả sát giá trị, xoay quanh giá trị để kích thích cải tiến kỹ thuật, tăng cường công tác quản lý, chủ động tác giá cả ra khỏi giá trị với từng hàng hoá tại từng thời kỳ nhất định, lợi dụng sự chênh lệch giá cả và giá trị để điều chỉnh cung cầu, phân phối, điều tiết sản xuất và lưu thông. Giá cả là thước đo quan trọng để lên kế hoạch kinh tế tối ưu hoá sự tiêu dùng của xã hội.


Trên đây, bài viết đã tổng hợp toàn bộ những kiến thức, thông tin cụ thể, quan trọng nhất về quy luật giá trị: từ giải thích định nghĩa quy luật giá trị là gì, nội dung quy luật giá trị hay sự vận động, mặt tích cực hay sự tiêu cực cùng 3 tác động quan trọng của quy luật giá trị đến nền kinh tế. Đồng thời, dựa trên đó, bài viết còn cung cấp các giải pháp vận dụng tối ưu quy luật này vào nền kinh tế Việt Nam, Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về quy luật giá trị và các khía cạnh thông tin xoay quanh quy luật quan trọng, giàu ý nghĩa này

Tin liên quan